BÁO CÁO PHÂN TÍCH DOANH NGHIỆP
Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) được thành lập năm 1994 với định hướng hoạt động ban đầu là cung cấp các dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp quân đội. Sau hơn 30 năm phát triển, MBB hiện đã trở thành ngân hàng sở hữu quy mô tài sản và tín dụng lớn nhất trong nhóm NH TMCP tư nhân. Phát triển theo mô hình tập đoàn, MBB có số lượng khách hàng, tỷ lệ CASA cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh đứng top đầu ngành.
LUẬN ĐIỂM ĐẦU TƯ
- Tăng trưởng tín dụng cao sẽ là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận. Sau khi nhận chuyển giao Oceanbank (MBV), MBB được phép tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn so với trung bình ngành. Chúng tôi kỳ vọng MBB sẽ hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao trong năm nay nhờ (1) hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thông qua vốn tư nhân, (2) nhu cầu tín dụng của nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ và bán lẻ phục hồi. Tuy nhiên chúng tôi điều chỉnh mức tăng trưởng xuống còn 25% so với dự báo trước đây (30%) do có khả năng MBB sẽ chuyển một phần dư nợ sang cho MBV trong giai đoạn đầu tái cơ cấu như đã thực hiện trong Q1.
- Nợ xấu có xu hướng tăng nhẹ nhưng trong tầm kiểm soát. Chúng tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng mạnh của MBB phản ánh khả năng rủi ro tín dụng gia tăng. Song song với những tác động từ bất ổn thương mại, chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo tỷ lệ nợ xấu lên thêm 0,02 dpt lên 1,64% (so với mức 1,54% ở báo cáo trước đó). Đồng thời MBB cũng kế hoạch gia tăng trích lập dự phòng để đưa tỷ lệ bap phủ nợ xấu lên trên mức 100%, vì vậy chúng tôi điều chỉnh chi phí dự phòng tín dụng năm 2025 lên 12,674 tỷ (+30% svck), tương đương khoảng 1,3% so với tổng dư nợ.
- Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng thu nhập từ dịch vụ và tỷ lệ thu hồi nợ xấu sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2025 với lần lượt +29% và +30% svck, lợi nhuận từ đầu tư và kinh doanh ngoại hối dự kiến sẽ giảm so với mức cơ sở cao của năm 2024 do tình hình biến động lãi suất trên thị trường sẽ khó mang lại lợi nhuận cao cho hoạt động giao dịch mua bán tài sản trái phiếu.
- Dự báo NIM sẽ giảm nhẹ 2 đcb so với năm 2024 xuống 4,06% do (1) áp lực về duy trì lãi suất thấp (2) tỷ trọng cho vay ngắn hạn đang có xu hướng tăng, nhưng sẽ được bù đắp một phần bởi tỷ lệ CASA duy trì ở mức cao và tỷ trọng cho vay bán lẻ gia tăng.
Chúng tôi hạ dự phóng LNTT xuống 31,495 tỷ (+9,3% svck) so với mức 33,231 tỷ ở báo cáo trước đó để phản ánh những thay đổi nêu trên. EPS =3.615 VNĐ, BVPS = 22.323 VNĐ.
CẬP NHẬT KQKD Q1/2025
- Tổng thu nhập hoạt động đạt 15.322 tỷ đồng, mặc dù giảm 7,5% so với quý trước nhưng tăng 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thu nhập lãi thuần đạt 11.692 tỷ đồng (+29% svck) và thu nhập từ dịch vụ đạt 1.235 tỷ đồng (+30% svck). Nhờ chi phí hoạt động chỉ tăng 12% svck, LN hoạt động trước trích lập đạt 11.372 tỷ (+33,8% svck).
- Tăng trưởng tín dụng đạt 2,7% thấp hơn so với trung bình ngành, tuy nhiên nếu tính khoảng hơn 30.000 tỷ dư nợ được chuyển sang MBV (ngân hàng nhận sáp nhập) thì tăng trưởng đạt hơn 6,5%.
- Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ lên 1,89% từ mức 1,62% cuối năm 2024 do (1) yếu tố chu kỳ (2) một phần dư nợ được chuyển sang MBV. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ mức 92% xuống còn 75,3%.
KHUYẾN NGHỊ
Khuyến nghị KHẢ QUAN với giá mục tiêu 2025 là 28.000 đồng/cổ phiếu và tiềm năng tăng giá là 20,4%.
Định giá
- Với P/B dự phóng 1 năm = 1.05, định giá của MBB đang ở mức thấp hơn so với trung bình 5 năm (1.4) và thấp hơn so với trung bình ngành hiện là 1.15, trong khi hiệu quả hoạt động luôn ở top đầu. Xét trên quan điểm thận trọng, chúng tôi cho rằng mức P/B hợp lý của MBB ở mức 1.25, tương đương mức định giá 28.000 VNĐ/cp (giảm 3,4% so với mức giá mục tiêu trước đó).
- Rủi ro: (1) Tỷ lệ nợ xấu cao hơn dự kiến; (2) Tăng trưởng tín dụng thấp hơn dự kiến ;(3) NIM giảm nhiều hơn dự báo.
Nhà đầu tư tham khảo toàn bộ nội dung Báo cáo tại đây: