BÁO CÁO PHÂN TÍCH DOANH NGHIỆP
Công ty Cổ phần Dệt May - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) là doanh nghiệp dệt may hàng đầu Việt Nam với chuỗi sản xuất khép kín từ Sợi – Đan/Dệt – Nhuộm – May. Công ty chú trọng phát triển bền vững (ESG), tạo ra sản phẩm chất lượng cao, thân thiện môi trường, tối ưu chi phí và rút ngắn thời gian giao hàng. Sản phẩm của TCM được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia trên thế giới.
(*) Kịch bản cơ sở: Chúng tôi cho rằng với các mặt hàng tiêu dùng cơ bản không nằm trong nhóm mặt hàng chiến lược và có tầm quan trọng đặc biệt đối với lợi ích quốc gia của Mỹ, sẽ chịu một mức thuế quan thấp hơn đáng kể so với các công bố ban đầu. Đối với lĩnh vực dệt may, chúng tôi cho rằng mức thuế áp lên Việt Nam sẽ thấp hơn so với Trung Quốc và chênh lệch không lớn so với các đối thủ trực tiếp như Bangladesh hay Ấn Độ. Trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng sẽ có lượng lớn đơn hàng dệt may xuất Mỹ dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc do chênh lệch thuế quan. Việt Nam được dự báo sẽ hưởng lợi từ xu hướng này nhờ quy mô sản xuất và một số lợi thế cạnh tranh nhất định.
LUẬN ĐIỂM ĐẦU TƯ
- Động lực tăng trưởng doanh thu đến từ thị trường châu Á. Châu Á hiện là thị trường quan trọng nhất của TCM, đóng góp khoảng 70% vào tổng doanh thu của công ty trong 2024. Theo báo cáo của McKinsey & Company, ngành thời trang tại khu vực này – đặc biệt tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ – được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực trong thời gian tới. Phân khúc thời trang phổ thông được kỳ vọng sẽ là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của toàn ngành. Việc TCM duy trì mối quan hệ hợp tác chiến lược với cổ đông lớn Eland (Hàn Quốc) không chỉ đảm bảo nguồn đơn hàng ổn định mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong trung và dài hạn. Theo cập nhật mới nhất, TCM đã nhận đủ đơn hàng cho quý II năm 2025.
- Ảnh hưởng hạn chế từ chính sách thuế quan của Mỹ. Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ hiện chiếm khoảng 18,7% tổng doanh thu của TCM trong 2024 và đang cho thấy xu hướng giảm dần. Như đã đề cập trong kịch bản cơ sở, chúng tôi kỳ vọng TCM có thể hưởng lợi một phần từ quá trình chuyển dịch đơn hàng trong ngắn hạn. Tuy nhiên đối với thị trường truyền thống là châu Á, TCM có thể đối diện với áp lực cạnh tranh gia tăng từ hàng dệt may của Trung Quốc.
- Lợi thế sản xuất nhờ mô hình khép kín. TCM là doanh nghiệp tiên phong áp dụng mô hình sản xuất sợi – đan/dệt – nhuộm – may. Mô hình này giúp công ty đáp ứng hiệu quả các tiêu chuẩn khắt khe về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu và chất lượng sản phẩm, đặc biệt trong bối cảnh môi trường thương mại toàn cầu ngày càng biến động. Ngoài ra, mô hình khép kín còn là nền tảng giúp TCM nâng cao năng lực sản xuất và hướng tới cải thiện biên lợi nhuận trong dài hạn.
- Lợi nhuận đột biến từ dự án bất động sản: TCM đang tích cực đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý cho dự án căn hộ TC Tower, dự kiến sẽ được cấp phép xây dựng vào tháng 1/2026 và có thể triển khai mở bán ngay sau khi đáp ứng các điều kiện cơ bản. Dự án có doanh thu kỳ vọng trên 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trên 1.100 tỷ và bắt đầu ghi nhận kết quả kinh doanh từ năm 2028.
- KQKD 2025 dự báo tăng chậm lại: Chúng tôi đưa ra quan điểm thận trọng khi ước tính doanh thu của TCM trong 2025, dự kiến đạt 4.026,1 tỷ đồng, tăng 5,7% so với 2024. Trong đó, mảng sợi và vải được kỳ vọng tăng trưởng lần lượt 6,3% và 5,8%. Mảng may – chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu – dự kiến tăng 5,6%, số lượng đơn hàng và giá bán dự kiến sẽ chịu nhiều áp lực hơn sau quý 2. Biên lợi nhuận gộp dự báo giảm xuống 15,7% (so với 16,2% năm 2024) do giá bán giảm, dù được bù đắp một phần do giá bông – nguyên liệu đầu vào chính của mảng dệt – duy trì ở mức thấp.
CẬP NHẬT KQKD 2024
- Trong năm 2024, TCM ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.810,5 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước, nhờ các đơn đặt hàng tại châu Á tăng mạnh. Đáng chú ý, doanh thu từ thị trường Hàn Quốc tăng trưởng vượt bậc 59,7%, đạt 1.077,1 tỷ đồng và trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của TCM. Tất cả các mảng kinh doanh khác của công ty đều ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số.
- Lợi nhuận trước thuế đạt 350,4 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 85,6% so với năm 2023. Biên lợi nhuận ròng cải thiện mạnh, đạt 8,3% so với mức 4,0% của năm trước. Kết quả này đến từ việc TCM tập trung vào các đơn hàng kỹ thuật cao với biên lợi nhuận tốt, đồng thời được hưởng lợi từ giá bông duy trì ở mức thấp trong năm. Bên cạnh đó, chi phí tài chính giảm 43% và công tác kiểm soát hiệu quả chi phí bán hàng cũng như chi phí quản lý doanh nghiệp đã đóng góp đáng kể vào việc cải thiện lợi nhuận.
KHUYẾN NGHỊ
Khuyến nghị KHẢ QUAN với giá mục tiêu 2025 là 37.600 đồng/cổ phiếu và tiềm năng tăng giá là 28,8%.
Định giá
- Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền FCFF, chúng tôi đưa ra mức định giá mục tiêu 1 năm là 37.600 VNĐ.
- Rủi ro: (1) Kết quả đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ kém thuận lợi; (2) Tiêu dùng phục hồi chậm tại Châu Á và Mỹ; (3) Cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong và ngoài nước; (4) Dự án bất động sản bị lùi tiến độ.
Nhà đầu tư tham khảo toàn bộ nội dung Báo cáo tại đây: