Tổng quan thị trường M&A tại Việt Nam
Là một nền kinh tế mới nổi với tăng trưởng vĩ mô nhanh và bền vững, được tái cấu trúc theo định hướng thị trường, Việt Nam sở hữu điều kiện cần thiết để thúc đẩy các hoạt động M&A. Bên cạnh đó, nhờ vị trí chiến lược trong khu vực, khả năng tiếp cận nguồn lao động và đầu ra sản phẩm tốt, lại có nhiều doanh nghiệp tuổi đời non trẻ với lợi thế phát triển lớn, khiến Việt Nam trở thành quốc gia với tiềm năng đầu tư lớn. Trên cơ sở các thế mạnh sẵn có, chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách mở cửa, thu hút vốn, cải thiện môi trường đầu tư, giúp thị trường M&A Việt Nam đã và đang trở nên sôi động. Các hoạt động thu mua và sáp nhập đã góp phần tích cực vào đà tăng trưởng của nền kinh tế nói chung, thông qua chuyển dịch và tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Đặc biệt tại Việt Nam, đây còn là kênh thu hút lượng lớn nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận với kinh nghiệm quản trị và kiến thức công nghệ tiên tiến.
Một thập kỷ trở lại đây chứng khiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường M&A tại Việt Nam với bình quân 450 thương vụ được thực hiện hàng năm, hơn 200 thương vụ có giá trị giao dịch trên 50 triệu USD. Tuy mạch tăng trưởng bị ngắt quãng khi nền kinh tế thế giới hứng chịu cú sốc COVID-19, thị trường nhanh chóng hồi phục, tổng giá trị giao dịch đạt mức kỉ lục 10,7 tỷ USD vào năm 2022. Các ngành dẫn đầu thị trường bao gồm công nghệ thông tin, bất động sản và tài chính, các dòng tiền thu mua vẫn chủ yếu đến từ các doanh nghiệp ngoại.
Diễn biến thị trường M&A 2023
Năm 2023, thị trường M&A tại Việt Nam có phần lắng xuống, phản ánh xu hướng chung toàn cầu. Quyết định tăng lãi suất tại các nền kinh tế lớn gây ra tác động lan toả đến các thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam. Chi phí tài chính gia tăng khiến việc thực hiện các thương vụ trở nên khó khăn, trong bối cảnh tình hình lạm phát chưa hạ nhiệt cùng các bất ổn địa chính trị khiến sức mua giảm sút, thương mại toàn cầu đứt gãy. Theo số liệu công bố bởi KPMG, tổng giá trị M&A 10 tháng đầu năm tại Việt Nam chỉ đạt 4.4 tỷ USD với 265 thương vụ, suy giảm rõ rệt so với cùng kỳ hai năm 2021 và 2022. Thị phần đầu tư trong nước cũng giảm mạnh còn 161,6 triệu USD, chiếm khoảng 4% tổng giao dịch được công bố.
Tuy nhiên, những con số này là không quá quan ngại khi các yếu tố vĩ mô trong nước vẫn ổn định, dòng vốn FDI được duy trì từ các thoả thuận thương mại. Các tín hiệu tích cực cũng đến trong quý 3 với nhiều thương vụ có giá trị, là kết quả của chính sách nới lỏng định lượng và những nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các chuyên gia nhận định rằng, sự lắng xuống của thị trường chỉ mang tính tạm thời, là một phần của chu kì rộng hơn, trong đó 2023 là năm thị trường tìm lại cân bằng để phát triển bền vững. Đây được xem là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp trong nước xem xét, đánh giá lại kế hoạch dài hạn và mô hình kinh doanh. Thêm vào đó, giá trị bình quân các thương vụ đạt 54.5 triệu USD, gấp 3.5 lần so với cùng kỳ, cho thấy xu hướng đầu tư có chiến lược, đòi hỏi nhiều tiềm lực tài chính. Đặc biệt trong giai đoạn thị trường chững lại, nhiều doanh nghiệp bị định giá thấp so với giá trị nội tại là cơ hội để nhiều nhà đầu tư thực hiện các thương vụ lớn.
Sau 10 tháng đầu năm, tài chính là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất thị trường với tổng giá trị 2 tỷ USD. Quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ cùng những thay đổi của hành vi người dùng, mà minh chứng là doanh thu của thương mại điện tử tăng mạnh trong những năm gần đây, đã tạo ra tiềm năng lớn cho ngành công nghệ tài chính và dịch vụ tài chính cá nhân. Dư địa phát triển còn lớn đã thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế, cụ thể, tập đoàn SMBC của Nhật đã chi 1.45 tỷ USD để mua lại cổ phần của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), là thương vụ lớn nhất từng được ghi nhận trong ngành ngân hàng tại Việt Nam. Ngoài ra, còn các thương vụ nổi bật như AEON Financial Service mua lại Công ty Tài chính TNHH một thành viên Bưu điện, Ngân hàng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan mua lại 50% vốn tại SHBFinance.
Lĩnh vực bất động sản cũng đóng góp gần 1 tỷ USD vào thanh khoản thị trường trong cùng giai đoạn, phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào khả năng phục hồi của ngành, đặc biệt khi giá nhà đất vẫn rẻ hơn so với khung giá trong khu vực. Thị trường chứng kiến một số thương vụ đáng chú ý như ESR Group Limited mua lại cổ phần chiến lược của BW Industrial, Gamuda Land mua lại 100% cổ phần của Công ty cổ phần Bất động sản Tâm Lực.
Lĩnh vực y tế cũng nổi lên như một “ngựa ô” mới của năm 2023, nổi bật nhất là thương vụ tập đoàn Y tế Thomson (Singapore) chi hơn 380 triệu USD mua lại cổ phần chi phối tại Bệnh viện FV. Ngoài ra, còn một số ngành thu hút vốn M&A đáng kể như tiêu dùng, năng lượng hay công nghệ.
Dù chỉ chiếm thị phần nhỏ, nhưng các thương vụ thực hiện bởi doanh nghiệp trong nước cũng để lại nhiều dấu ấn. Có thể kể đến như Hoá chất Đức Giang hoàn tất mua lại 51% cổ phần của Công ty Cổ phần Ắc quy Tia Sáng (Tibaco) để chính thức trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp này. Đây được coi là cuộc chuyển giao mang lại lợi ích cho đôi bên, Hoá chất Đức Giang có thể mở rộng sản xuất pin lithium phosphate, trong khi Tibaco có thể tận dụng lợi thế về công nghệ, vốn và quản trị của công ty mẹ để gia tăng cạnh tranh trên thị trường ắc quy. Ngoài ra, còn các thương vụ nổi bật khác như Tasco hoàn tất sáp nhập SVC Holding vào hệ sinh thái của mình, Tập đoàn Hoành Sơn hoàn thành mua lại Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng.
Dự đoán xu hướng thị trường M&A 2024
Bước sang 2024, nhiều nhận định cho rằng các hoạt động thu mua và sáp nhập sẽ nhộn nhịp trở lại, dựa trên cơ sở nền kinh tế toàn cầu bước dần vào giai đoạn phục hồi, các yếu tố nền tảng trong nước ngày càng được củng cố. Động thái dừng các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ được dự báo sẽ kích thích thị trường M&A toàn cầu khi dòng vốn sẽ trở nên dễ tiếp cận hơn. Trong nước, ngoài triển vọng tăng GDP ổn định ở mức 6,5% trong năm 2024, sự quyết liệt của chính phủ trong công tác hoàn thành thể chế, cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư được coi là động lực chính để thúc đẩy thị trường M&A. Các hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế cũng mở ra thêm nhiều cơ hội để thu hút nguồn vốn nước ngoài, tiêu biểu sự kiện nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện và thoả thuận hợp tác với WTO.
Các thành tựu trên càng mang lại ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu chuyển dịch mạnh mẽ với Việt Nam là điểm đến tiềm năng nhờ nền kinh tế, chính trị ổn định cùng vị trí chiến lược và nguồn nhân lực trẻ, chất lượng tốt, hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất trong khu vực. Một tín hiệu tích cực nữa là sự nổi lên của các doanh nghiệp trong nước với tư cách là bên mua, trong bối cảnh có một số lo ngại về rủi ro cạnh tranh khi các doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập quá sâu vào thị trường trong nước qua kênh M&A.
Các lĩnh vực đáng chú ý trong năm 2024 sẽ bao gồm bất động sản và xây dựng, năng lượng tái tạo và sản xuất hàng tiêu dùng. Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai và Luật Nhà ở được thông qua đã tạo ra hành lang pháp lý vững chắc, giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả của các thương vụ M&A trong mảng bất động sản. Mục tiêu của các doanh nghiệp vẫn sẽ là thông qua kênh M&A để đua gom các quỹ đất sạch, chất lượng tốt, hoặc là mua lại các dự án đầu tư khu công nghiệp. Trong lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo sẽ là thị trường tiềm năng khi chính phủ triển khai kế hoạch hành động quốc gia nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm, trong nỗ lực hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư công vào phát triển hạ tầng, kĩ thuật và công nghệ sẽ giúp thúc đẩy các ngành sản xuất, biến đây trở thành mục tiêu tiềm năng cho các hoạt động M&A.
Các doanh nghiệp có chiến lược phát triển lâu dài và ổn định sẽ có khả năng thu hút nhiều sự chú ý, đặc biệt trong các nhóm ngành sản xuất hàng tiêu dùng, dịch vụ y tế. Ngoài ra, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội với các doanh nghiệp đang bị định giá rẻ khi thị trường còn chưa hồi phục hoàn toàn, điển hình là các công ty thuộc nhóm ngành bất động sản và xây dựng. Mặc dù thị trường được dự báo vẫn sẽ là “cuộc chơi” của các đại gia ngoại, thì khối nội được kì vọng sẽ tạo ra nhiều dấu ấn. Một số thương vụ đáng chú ý có thể xảy ra có thể kể đến như ngân hàng SHB đàm phán chuyển nhượng 20% cổ phần cho đối tác ngoại, Capital Land mua lại một phần dự án Vinhomes Ocean Park 3, Saigonres Group mua lại 90% cổ phần của Công ty Cổ phần Đức Nhi,…
Dễ dàng tạo lập các chiến lược đầu tư hiệu quả với các thông tin, tin tức diễn biến thị trường, khuyến nghị đầu tư, báo cáo phân tích được cập nhật liên tục tại VPS: 👉 Mở tài khoản chứng khoán với kho số đẹp: https://openaccount.vps.com.vn/ 👉 Tải và truy cập VPS SmartOne - Ứng dụng đầu tư chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam: https://bit.ly/VPSSmartOne |