Các chiến lược mua bán sáp nhập phổ biến
Chiến lược mua bán sáp nhập theo chiều dọc
M&A thường được sử dụng làm công cụ thực hiện chiến lược tích hợp theo chiều dọc. Tích hợp theo chiều dọc có thể hiểu là việc doanh nghiệp sản xuất sáp nhập với nhà cung cấp và nhà phân phối nhằm tăng cường kiểm soát đối với đầu ra cũng như đầu vào của doanh nghiệp. Việc sáp nhập với nhà cung cấp được gọi là sáp nhập theo chiều lùi (backward integration) trong khi sáp nhập với nhà phân phối được gọi là sáp nhập theo chiều tiến (forward integration).
Chiến lược mua bán sáp nhập theo chiều ngang
M&A cũng được sử dụng cho mục đích tích hợp theo chiều ngang. M&A theo chiều ngang đơn giản và việc kết hợp giữa 2 doanh nghiệp có cùng hoặc dòng sản phẩm tương đương để trở thành một doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. Việc kết hợp được kỳ vọng làm tăng cường giá trị của mỗi doanh nghiệp.
Chiến lược đa ngành nghề
M&A cũng được sử dụng để thực hiện chiến lược đa ngành nghề hình thành nên các tập đoàn đa ngành. Chiến lược này nhằm đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh do đó phân tán rủi ro. Nhược điểm của chiến lược này là sự phát triển dàn trải, không có sự tập trung vào hoạt động cốt lõi. Ban điều hành không có đủ kiến thức quản lý đối với các mảng kinh doanh mới. Chính vì thế rủi ro của chiến lược này thực tế tăng lên chứ không phải giảm đi. Nhiều quốc gia đã trải qua kinh nghiệm phát triển chiến lược đa ngành và đã phải thất bại.
Một số giai đoạn phát triển & các làn sóng M&A nổi bật trong hơn 200 năm qua
Trên thế giới, lịch sử mua bán sáp nhập doanh nghiệp trải qua các làn sóng lớn. Lịch sử cho thấy các hoạt động mua bán, sáp nhập mạnh mẽ đều bắt nguồn trực tiếp từ các hoạt động kinh tế diễn ra trên quy mô toàn cầu.
Làn sóng M&A của ngành đường sắt (1895 – 1905)
Đây là làn sóng mua bán, sáp nhập lớn đầu tiên tại Mỹ bắt nguồn từ việc xây dựng mạng lưới đường sắt xuyên châu lục nối liền các thành phố lớn khắp nước Mỹ. Sự phát triển này là một đột phá cho phép các doanh nghiệp địa phương mở rộng hoạt động ra phạm vi toàn quốc. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp hợp nhất theo mô hình tích hợp theo chiều dọc và tích hợp chiều ngang xung quanh thế mạnh chính của mình. Một số tên tuổi lớn được hình thành trong giai đoạn này thông qua tích hợp theo chiều ngang bao gồm Coca-cola và General Electric.
Làn sóng M&A ngành ô tô (1918 – 1930)
Đây là làn sóng mua bán sáp nhập lớn thứ 2 tại Mỹ xuất phát từ sự bùng nổ phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong những năm 1920 – 1930. Sự bùng nổ ngành công nghiệp ô tô đã giúp hạ giá thành sản phẩm và biến ô tô trở thành một phương tiện giao thông thông dụng. Sự tiếp cận của người dân với loại phương tiện giao thông mới này giúp cho họ có thể đi lại dễ dàng đến các cửa hàng, siêu thị ở các địa điểm xa nhà hơn, do đó thúc đẩy phát triển ngành bán lẻ. Sự phát triển của hệ thống xe vận tải chuyên dụng cũng làm cho ngành thực phẩm và chế biến thực phẩm phát triển một cách chuyên nghiệp hơn. Chính cú hích kinh tế này đã hình thành nên làn sóng mua bán, sáp nhập theo cả phương thức tích hợp dọc và tích hợp ngang, đặc biệt trong các ngành công nghiệp nặng và ngành tài chính.
Làn sóng mua bán sáp nhập hình thành các tập đoàn đa ngành (1955 – 1970)
Bối cảnh lịch sử giai đoạn này là luật pháp nước Mỹ hạn chế các cuộc mua bán, sáp nhập theo mô hình tích hợp (theo chiều dọc hay chiều ngang). Trong khi đó nền kinh tế Mỹ đang có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ. Do đó hình thành nên làn sóng mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp nằm ngoài phạm vi hoạt động truyền thống của mình, hình thành nên các tập đoàn đa ngành nghề. Chính sự mở rộng sang lĩnh vực không chuyên này mà nhiều tập đoàn rơi vào hoàn cảnh khó khăn phải quản lý những mảng kinh doanh mà họ không có kinh nghiệm.
Làn sóng mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp lớn (1980 – 1990)
Đặc điểm của giai đoạn lịch sử này là giá cổ phiếu tăng mạnh và nền kinh tế mỹ tăng trưởng nhanh. Môi trường lãi suất thấp giúp cho việc tiếp cận các nguồn vốn phục vụ hoạt động mua bán, sáp nhập được thực hiện dễ dàng. Nhiều giao dịch quy mô lớn được thanh toán với một lượng tiền mặt rất lớn so với thời điểm bấy giờ. Hơn nữa, chính phủ Mỹ và Anh cũng bắt đầu thực hiện tự do hóa các ngành nghề và nới lỏng các quy định về chống độc quyền. Điều này giúp cho các hoạt động mua bán, sáp nhập theo mô hình tích hợp chiều ngang phát triển, hình thành nên các tập đoàn có quy mô hoạt động lớn trong cùng một ngành nghề như ngành dầu khí và hóa chất.
Làn sóng mua bán sáp nhập theo trào lưu toàn cầu (1994 đến nay)
Làn sóng mua bán sáp nhập hiện tại xuất hiện từ năm 1994 và phát triển nhanh và mạnh đến những năm gần đây. Một số đặc điểm lịch sử chi phối làn sóng mua, sáp nhập này :
- Nhu cầu thị trường tăng trưởng chậm do đó không kích thích tăng trưởng sinh học. Mua bán sáp nhập cho phép các doanh nghiệp tăng trưởng một cách cơ học.
- Môi trường lãi suất thấp giúp cho việc tiếp cận vốn thực hiện mua bán, sáp nhập được thực hiện tương đối dễ dàng.
- Áp lực cắt giảm chi phí để tăng lợi nhuận thông qua mở rộng quy mô hoạt động để tăng cường hiệu quả kinh tế.
- Nhiều ngành nghề phát triển đến giai đoạn thoái trào, do đó mở rộng quy mô là phương thức tốt để cắt giảm chi phí cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh.
- Sự phát triển của công nghệ thông tin và internet đã giúp hình thành xu hướng toàn cầu hóa. Sự ngăn cách về không gian và các rào cản biên giới trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Tự tin gia nhập hành trình và nắm bắt các cơ hội đầu tư tài chính lý tưởng với sự đồng hành từ các chuyên gia hàng đầu VPS: 👉 Mở tài khoản chứng khoán với kho số đẹp: https://openaccount.vps.com.vn/ 👉 Tải và truy cập VPS SmartOne - Ứng dụng đầu tư chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam: https://bit.ly/VPSSmartOne |