Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước được hiểu là giấy tờ có giá ngắn hạn do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Mục tiêu ngắn hạn là điều tiết thanh khoản trên thị trường, tác động tới lãi suất ngắn hạn và tỷ giá. Mục tiêu dài hạn là ổn định tỷ giá, lãi suất, thanh khoản,… để phục vụ cho mục tiêu dài hạn của chính sách tiền tệ.
Hoạt động phát hành tín phiếu là nghiệp vụ bình thường, cơ bản của NHNN. Trong giai đoạn 2018 – 2023, NHNN đã thực hiện nghiệp vụ này đều đặn nhiều lần trong năm.
Năm | Số lần | Số ngày TB/đợt | GT hút ròng | GT hút ròng |
2023 | 6 | 17 | (96,170) | (239,163) |
2022 | 12 | 10 | (48,873) | (191,100) |
2020-2021 | 3 | 22 | (37,247) | (146,989) |
2019 | 13 | 10 | (27,151) | (68,997) |
2018 | 13 | 8 | (28,792) | (120,100) |
Nguồn: Fiinpro, SBV
Tại sao NHNN lại phát hành tín phiếu trong thời gian này?
Việc phát hành tín phiếu hiểu đơn giản là NHNN sẽ thu lại một lượng tiền không lưu thông đang nằm tại hệ thống các Ngân hàng Thương mại (NHTM), việc này không gây tác động xấu tới thanh khoản thị trường chung, lãi suất cho vay và nhận tiền gửi của các ngân hàng vẫn không thay đổi. Khi tiền thừa không lưu thông được thu lại, NHNN sẽ tái kiểm soát lãi suất liên ngân hàng. Lãi suất Tín phiếu lúc này trở thành mức lãi suất sàn cho thị trường. Từ đó nếu xuất hiện các tình huống xấu diễn ra, NHNN sẽ dễ dàng điều tiết hơn bằng việc sử dụng lãi suất này như là công cụ tác động tới tỷ giá mà không gây những cú shock lớn cho thị trường tiền tệ. Đây có thể hiểu như là một bước chuẩn bị cho những diễn biến khó lường phía trước.
Ở thời điểm hiện tại, áp lực tỷ giá không lớn như hai năm trước, do đó việc gọi thầu tín phiếu này có mục tiêu là để NHNN kiểm soát lại lãi suất nhiều hơn là việc giảm áp lực lên tỷ giá. Việc gọi thầu này không tác động trực tiếp lên tỷ giá mà là tác động gián tiếp qua chênh lệch lãi suất. Nếu thực sự muốn kiểm soát lại lãi suất nền của thị trường liên ngân hàng và gián tiếp ảnh hưởng lên tỷ giá, NHNN sẽ cần phải rút gần hết toàn bộ lương tiền dư thừa này. Khi nào lượng tiền gửi Citad (tiền gửi không kỳ hạn của các Ngân hàng thương mại tại NHNN) giảm về mức độ hợp lý, lúc đó việc gọi thầu tín phiếu mới kết thúc. Ngoài ra, nó còn phụ thuộc rất lớn vào tình hình thị trường sắp tới ảnh hưởng như thế nào tới thanh khoản chung. Ví dụ như sắp tới thị trường cần nguồn vốn lớn thì NHNN sẽ kết thúc sớm đợt phát hành và “nhả” thanh khoản lại.
Vậy NHNN khả năng sẽ rút ròng bao nhiêu ở đợt này?
Hiện tiện lượng tiền gửi Citad cuối quý 4 ở mức gần 470,000 tỷ đồng, trong khi tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm giảm 1%, như vậy có thể suy đoán rằng lượng tiền dư thừa ở thời điểm hiện tại là rất lớn. Còn trong đợt rút ròng tháng 9 năm ngoái, lượng tiền gửi Citad ở mức khoảng 400,000 tỷ đồng, và tổng số lượng tín phiếu lưu hành ở mức cao nhất là 255,000 tỷ đồng.
So sánh hai đợt phát hành tín phiếu của NHNN:
Đợt phát hành | 21/09/2023-08/11/2023 | Đợt Từ 11/03/2024 |
Bối cảnh | (1) Chênh lệch lãi suất đồng VNĐ và USD; (2) DXY-Index tăng mạnh một mạch từ mức 100 điểm đầu tháng 7 lên mức 105 điểm ngày 20/09 (trước thời điểm phát hành tín phiếu) và chưa có dấu hiệu giảm; (3) Nhu cầu USD gia tăng vào giai đoạn cuối năm; (4) Dư thừa thanh khoản do tăng trưởng tín dụng yếu. | (1) Chênh lệch lãi suất đồng VNĐ và USD; (4) Dư thừa thanh khoản do tín dụng yếu. |
Tỷ giá trong nước | Từ đầu tháng 7 đến 21/09, tỷ giá bán VCB tăng hơn 3%, tỷ giá thị trường tự do tăng 2.5%. Tỷ giá đang có xu hướng tăng, áp lức đến từ cả trong nước và ngoài nước. | Từ đầu tháng 1 đến 08/03, tỷ giá bán VCB tăng hơn 1.7%, tỷ giá thị trường tự do tăng 2.4% và đang có xu hướng tăng (áp lực chủ yếu đến từ trong nước). |
Thanh khoản | Dư thừa, số dư Citad hơn 400,000 tỷ đồng. | Dư thừa, số dư Citad hơn 400,000 tỷ đồng. |
Lãi suất liên ngân hàng | 0.17% tại ngày 21/09/2023. | 0.76% tại 11/03/2024. |
Lãi suất tín phiếu trung bình
| 1.13% kỳ hạn 28 ngày. | 1.4% kỳ hạn 28 ngày. |
Có thể xem hành động hút ròng của NHNN ở thời điểm này như là một hoạt động điều tiết thanh khoản bình thường và có thể cũng là bước chuẩn bị cho những biến động sắp tới của đồng USD. Khối lượng của đợt phát hành rất khó đoán định tuy thuộc vào ý chí của nhà điều hành. Tuy nhiên, khối lượng của đợt này có thể sẽ thấp hơn so với tháng 9 năm ngoái do nhu cầu thanh khoản sẽ gia tăng khi tín dụng tăng dần về giữa năm, nhu cầu USD trong nước có thể hạ nhiệt trong thời gian tới. Hơn nữa, động thái phát hành tín phiếu này cũng mới chỉ là bước chuẩn bị của NHNN khi áp lực của tỷ giá chưa quá lớn.
Phát hành tín phiếu có tác động tới thị trường chứng khoán?
Chưa có mối liên hệ kỹ thuật rõ ràng nào giữa việc phát hành tín phiếu của NHNN và thị trường chứng khoán. Phần lớn phản ứng tiêu cực đều do yếu tố tâm lý. Trong thời gian tới, NHNN có thể tiếp tục phát hành tín phiếu nhưng điều này không có nghĩa là sẽ có sự đảo ngược trong chính sách tiền tệ bởi điều tiết thanh khoản là hoạt động có tính thời điểm và linh hoạt. Tuy nhiên, nếu như khối lượng phát hành, tần suất mỗi phiên và lãi suất tín phiếu tăng nhanh, có thể sẽ có có các tác động tới lãi suất ngắn hạn, từ đó ảnh hưởng gián tiếp tới thị trường nói chung.
Dễ dàng tạo lập các chiến lược đầu tư hiệu quả với các thông tin, tin tức diễn biến thị trường, khuyến nghị đầu tư, báo cáo phân tích được cập nhật liên tục tại VPS: 👉 Mở tài khoản chứng khoán với kho số đẹp: https://openaccount.vps.com.vn/ 👉 Tải và truy cập VPS SmartOne - Ứng dụng đầu tư chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam: https://bit.ly/VPSSmartOne |
(*) Khuyến cáo: Báo cáo này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư tham khảo. Quan điểm, dự báo và những ước tính trong báo cáo này chỉ thể hiện ý kiến của tác giả tại thời điểm phát hành và có thể thay đổi mà không cần thông báo trước. Nhà đầu tư nên có nhận định độc lập về thông tin trong báo cáo này.