1. Khái niệm về dầu mỏ và khí thiên nhiên:
Dầu thô là một loại hóa chất dạng lỏng tự nhiên được hình thành thông qua quá trình phân hủy của các hóa thạch nằm trong lòng đất suốt hàng triệu năm. Dầu thô được khai thác từ các tầng rất sâu dưới lòng đất và trải qua quá trình tinh chế để sản xuất ra các thành phẩm thân thuộc như xăng, dầu diesel và dầu nhờn. Độ quan trọng của dầu thô không chỉ dừng ở việc được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho nhiên liệu cho các phương tiện giao thông mà còn là một nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp và sản xuất.
Khí tự nhiên, ở một khía cạnh khác, là một hỗn hợp bao gồm các loại khí tự nhiên, chủ yếu là methane (CH4). Khí tự nhiên cũng được hình thành thông qua các quá trình tự nhiên trong lòng đất tương tự dầu thô và được khai thác từ các trường khí tự nhiên. Khí tự nhiên được công nhận là một nguồn năng lượng sạch và thân thiện với môi trường, được sử dụng rộng rãi làm nhiên liệu đốt trong các nhà máy điện, hộ gia đình và trong các khu sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, hỗn hợp khí này cũng được áp dụng trong các ngành công nghiệp để sản xuất các sản phẩm như phân bón, nhựa và hóa chất.
Cả dầu thô và khí tự nhiên đều đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho các hoạt động sản xuất hàng ngày. Tuy nhiên, việc sử dụng hai loại nguyên liệu này đòi hỏi sự quản lý cẩn thận để đảm bảo tính bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường.

Hình 1. Giàn khoan biển đầu tiên của Việt Nam
2. Tình trạng khai thác dầu mỏ và khí thiên nhiên tại Việt Nam:
Dầu mỏ và khí tự nhiên ở Việt Nam được phân bổ đa dạng và phong phú trải dài đất nước. Sau đây là một số cụm mỏ nổi bật:
Bể Cửu Long:
- Mỏ Bạch Hổ: Dầu thô – Sản lượng ngày: 10,500 tấn ( khoảng 79,000 thùng dầu).
- Cụm mỏ Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Trắng và Sư Tử Nâu: Dầu thô và Khí tự nhiên – Sản lượng ngày: 75,000 thùng dầu và 75 triệu bộ khối khí xuất bán.
- Mỏ Tê Giác Trắng: Dầu thô – Sản lượng ngày: 34,000 thùng dầu.
Bể Nam Côn Sơn:
- Mỏ Lan Tây – Lan Đỏ: Khí tự nhiên – Sản lượng ngày: ~ 9.5 triệu
khí xuất về bờ.
- Mỏ Rồng Đôi – Rồng Đôi Tây: Khí tự nhiên – Sản lượng ngày: ~ 3.4 triệu
khí xuất về bờ.
- Mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh: Khí tự nhiên – Sản lượng ngày: ~5 triệu
khí xuất về bờ.
Bể Malay – Thổ Chu:
- Cụm mỏ Lô PM3-CAA & 46CN: Khí tự nhiên – Sản lượng ngày: ~ 5.6 triệu
khí xuất về bờ.
3. Phân loại doanh nghiệp dầu khí:
Thượng nguồn: Doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu. Thượng nguồn (hay còn gọi là khâu đầu) là một thuật ngữ nói đến các giai đoạn hoạt động trong ngành công nghiệp dầu khí bao gồm tất cả hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác. Mục đích cuối cùng của hoạt động thượng nguồn là tìm kiếm phát hiện và đưa dầu, khí vào khai thác. Như vậy có thể nói, những doanh nghiệp thượng nguồn chịu trách nhiệm khai thác, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dầu khí từ các nguồn tài nguyên thượng nguồn, nơi mà dầu và khí tự nhiên tồn tại trong các tầng đất sâu. Ví dụ: PVS, PVD,…
Các doanh nghiệp này thường phải đối mặt với những thách thức kỹ thuật, môi trường và kinh doanh phức tạp. Việc thăm dò và khai thác tài nguyên dầu khí ở những vùng địa lý khó khăn đòi hỏi sự đầu tư lớn về công nghệ và nguồn lực. Họ cũng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường và an toàn lao động.

Hình 2. Tổng quan quy trình hoạt động của các doanh nghiệp dầu khí
Trung nguồn: Doanh nghiệp dầu khí trung nguồn đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi và phân phối dầu mỏ và khí đốt từ các cơ sở chiết xuất đến các nhà máy xử lí rồi đến các đại lí tiêu thụ cuối cùng. Các hoạt động của họ bao gồm vận chuyển, lưu trữ, và xử lý sản phẩm dầu khí trước khi chúng được phân phối đến các đối tượng khách hàng, bao gồm cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp công nghiệp. Ví dụ: PVT,…
Công việc của doanh nghiệp dầu khí trung nguồn không chỉ là về việc di chuyển sản phẩm từ A đến B mà còn bao gồm việc quản lý lưu trữ, bảo quản chất lượng, và đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển và xử lý. Họ phải sử dụng các phương tiện và hệ thống vận chuyển hiện đại, đồng thời tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn ngành công nghiệp.
Hạ nguồn: Trong ngành công nghiệp dầu khí, khái niệm một công ty hạ nguồn thường được dùng để chỉ một doanh nghiệp tham gia vào khâu việc xử lý, tinh chế và phân phối các sản phẩm dầu mỏ. Khác với các hoạt động thượng nguồn, tập trung vào việc thăm dò và sản xuất, các hoạt động hạ nguồn xảy ra sau khi dầu thô và khí tự nhiên được chiết xuất. Các công ty hạ nguồn đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi nguyên liệu thô thành các sản phẩm cuối cùng đa dạng để sử dụng cho người tiêu dùng và công nghiệp. Ví dụ: GAS,…
Các công ty này hoạt động các nhà máy lọc dầu nơi dầu thô được chế biến thành các sản phẩm khác nhau như xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay và các thành phẩm hóa dầu khác. Ngoài ra, các công ty hạ nguồn chịu trách nhiệm phân phối các sản phẩm đã được chế biến này đến người tiêu dùng cuối cùng thông qua các đại lý và các cửa hàng bán lẻ như các trạm xăng dầu.
Dễ dàng tạo lập các chiến lược đầu tư hiệu quả với các thông tin, tin tức diễn biến thị trường, khuyến nghị đầu tư, báo cáo phân tích được cập nhật liên tục tại VPS: 👉 Mở tài khoản chứng khoán với kho số đẹp: https://openaccount.vps.com.vn/ 👉 Tải và truy cập VPS SmartOne - Ứng dụng đầu tư chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam: https://bit.ly/VPSSmartOne |
(*) Khuyến cáo: Báo cáo này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư tham khảo. Quan điểm, dự báo và những ước tính trong báo cáo này chỉ thể hiện ý kiến của tác giả tại thời điểm phát hành và có thể thay đổi mà không cần thông báo trước. Nhà đầu tư nên có nhận định độc lập về thông tin trong báo cáo này.